Sức mạnh của niềm tin – Power of believing

Sức mạnh của niềm tin – Power of believing

Masashi Shikai- chủ nhiệm võ đường Chuo, 7 dan và là một trong những học trò cuối cùng của huyền thoại Kendo, thầy Torao Mori 10dan, đã trả lời phỏng vấn tạp chí Master Martial Arts về nghệ thuật Kendo và con đường mà đội tuyển Mỹ đã trải qua để làm nên chiến thắng lịch sử trước đội tuyển Nhật Bản trong kỳ đại hội WKC 13th tổ chức tại Đài Loan.

1

Masashi Shikai  sensei bắt đầu tập luyện tại Chuo Dojo vào năm 1964 vào lúc 15 tuổi,. Ông trở thành thành viên của đội tuyển Kendo Mỹ tại WKC lần thứ 1,2,3,4, là đội trưởng đội Mỹ tại WKC lần thứ 6 và là Manager của đội Mỹ tại WKC 13th.

Trong thời gian ở Hàn quốc cùng quân đội Mỹ, Shikai sensei tập luyện Kendo ở đại học Songyon-Kwan, một trường đại học nổi tiếng của Hàn quốc, nơi để lại cho ông  nhiều kỷ niệm đẹp. Với tính cách và phẩm chất cá nhân có một không hai, cùng vóc dáng mạnh mẽ, Shikai sensei nhắc nhở chúng ta bài học quan trọng nhất của Võ đạo:

“Mỗi khi bạn bắt đầu công việc gì, bạn phải hoàn thành công việc đó. Đừng vội bỏ cuộc hay lùi bước mỗi khi thất bại hay gặp khó khăn, thử thách, bởi chính những khó khăn, thử thách đó sẽ là liều thuốc thử, là sự kiểm chứng sức mạnh tinh thần, lòng can đảm và sự quyết tâm của bạn trong cuộc sống. Hãy năng động, cố gắng tìm ra giải pháp mà bạn cho là tốt nhất, rồi nhiệt thành theo đuổi nó, nhưng điều quan trọng hơn cả là bất kể thế nào cũng đừng bao giờ tìm cách bào chữa hay đổ lỗi….Bào chữa là điều khó có thể được chấp nhận đối với những người theo đuổi võ đạo chân chính, bởi bạn luôn phải cố gắng hết sức mình, mọi nơi mọi lúc, và một khi đã thực sự cố gắng, thực sự nỗ lực thì bạn không cần phải bào chữa. Đó chính là tinh thần Samurai đích thực.”

2

Sensei bắt đầu tập luyện Kiếm đạo khi nào ?

Tôi bắt đầu tập luyện Kendo vào lúc 15 tuổi ở trường trung học. Cha mẹ tôi có mở một nhà hàng và có một người Mỹ thường đến ăn mỗi ngày. Tôi ở đó để giúp đỡ gia đình làm một số công việc tạp vụ. Ông ta bảo tôi thử xem ở trường học có dạy Kendo ko, mà trường học thì không xa nhà tôi lắm, thậm chí gần là đằng khác, chỉ cách độ 5, hay 6 khu nhà tập thể. Tôi nghĩ rằng đó là ý kiến thật hay và thế là tôi đi xem thử xem sao. Tôi thực sự yêu thích nó và thậm chí đã hỏi mượn sensei một cây shinai để tập thử. Tôi thực sự rất thích và thế là tôi đã quay trở lại. Sau này, tôi mới phát hiện ra rằng đó là một dojo rất nổi tiếng và có danh tiếng trên 50 năm. Nó có bề dày truyền thống tuyệt vời, Vào lúc đó chỉ có một lớp vào chiều thứ 5. Tôi đã bắt đầu tập luyện 1 buổi một tuần, và từ đó chưa bao giờ dừng lại.

Ai là người hướng dẫn Kendo lúc đó ?

Vào lúc đó, giáo viên kiếm đạo là thầy Torao Mori, ông là người rất nổi tiếng và được kính trọng rộng rãi trong cộng đồng kendo. Tất nhiên là vào lúc đó tôi không hề biết và chẳng hề ý thức được chút gì về việc đó. Tôi thực sự đã nợ thầy Mori rất nhiều, chính thầy là người đã daỵ dỗ và tạo điều kiện giúp đỡ tôi theo đuổi Kendo liên tục. Thầy là người rất có ảnh hưởng đối với tôi thời niên thiếu và kể cả sau này.

Ông mô tả về nghệ thuật Kendo như thế nào ?

Kendo là nghệ thuật gồm rất nhiều động tác, nhưng khi nói về khía cạnh kỹ thuật, sự nhấn mạnh về kỹ thuật cơ bản vẫn luôn là quan trọng nhất. Các động tác thoạt trông có vẻ đơn giản nhưng thực ra đó lại là điều bí ẩn thực sự của võ thuật. Chúng ta học cách vung kiếm, bộ pháp, tư thế, ra đòn, phản công… và về cơ bản chúng ta đã có những “yếu tố căn bản” của võ thuật. Rồi chúng ta phải tập luyện, thực hành làm đi làm lại các bài tập này hàng ngàn lần, để rồi tất cả những cái căn bản đó dần dần trở thành phản xạ từ trong tiềm thức. Điều này đúng đối với tất cả các môn võ khác, không riêng gì Kendo, nhưng trong Kiếm đạo có đôi chút khác biệt. vì chúng ta sử dụng kiếm, shinai, do đó chúng ta phải biết cách biến thanh kiếm trở thành phần nối dài của cơ thể. Đây là điều không phải dễ dàng đạt được.

Thầy bắt đầu tham gia các giải đấu khi nào ?

Tôi bắt đầu tham gia các giải thi đấu rất sớm kể từ khi bắt đầu tập luyện Kendo. Sau 5,6 tháng tập luyện sensei hỏi tôi có muốn tham gia một giải đấu ở Sanfrancisco, California ko?. Tôi thực sự không biết sẽ phải tham gia thi đấu như thế nào nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ nó sẽ rất thú vị. Tôi trả lời thầy “Tại sao không”, vậy là tôi đi. Điều bất ngờ và thú vị là làm thế nào mà tôi lại thắng và ăn giải nhất. Tôi vốn chỉ định đi thử cho biết, nhưng cuối cùng lại giành chiến thắng. Tất nhiên đó là một cảm giác vô cùng hứng khởi, tôi cảm thấy thực sự phấn khích. Nó đem lại cho tôi thêm động lực để tiếp tục tập luyện chăm chỉ với sự toàn tâm toàn ý.

Võ thuật và thể thao tiến triển trong những năm gần đây thế nào ?

Kendo luôn là môn võ thuật và thể thao đại diện cho Nhật Bản theo những khía cạnh khác nhau. Nó luôn được công nhận trên bình diện quốc tế nhưng chính xác khi tôi bắt đầu tập luyện Kendo chưa được tập luyện và phát triển rộng rãi trên phạm vi quốc tế như ngày nay. Hiện nay có rất nhiều võ đường Kendo trên khắp thế giới. Trình độ kỹ thuật là rất cao, bất kể là ở quốc gia nào, và những người tập luyện cũng rất tài năng. Có sự đồng nhất cao độ về cơ bản trong võ thuật. Bất kể bạn tập luyện ở đâu, các kỹ thuật và các bài tập cơ bản là như nhau, Chỉ sau một thời gian tập luyện, bạn mới nhận ra một số điểm khác biệt trong các bài tập cơ bản được sử dụng bởi những trường phái hoặc người hướng dẫn, nhưng những khác biệt này là rất nhỏ và không có ảnh hưởng thực sự quan trọng. Một năm sau khi thầy Torao Mori mất, Kendo đã tái tổ chức theo cách có nhiều giải thi đấu hơn được tổ chức cho người tập. Trước đó, các giải đấu hầu như chỉ được tổ chức ở phạm vi quốc tế, tất nhiên Nhật Bản là ngoại lệ. Ngay cả ở mức độ quốc tế, cũng chỉ có khoảng hơn 10 nước. Ngày nay chúng ta có hơn 50 nước tham gia giải đấu quốc tế này.

Kendo khác biệt như thế nào so với những môn võ thuật khác ?

Rất khó để có thể so sánh Kendo với các môn võ thuật khác vì vài lý do, trước tiên vì đây là môn võ thuật mang đậm giá trị truyền thống Nhật Bản nhất do sử dụng kiếm. Thực tế là việc sử dụng vũ khí làm cho Kendo trở nên khác biệt với các môn võ thuật khác chỉ thuần tuý sử dụng cơ thể để tấn công và phòng ngự. Một khía cạnh khác làm Kendo trở nên khác biệt là nhờ trang phục. Các trang bị phòng hộ mà chúng ta sử dụng bao gồm Men, Kote, Do, Tare, và võ phục như  keikogi và Hakama nhìn rất đẹp. Khi kết hợp tất cả các yếu tố đó lại, người tập nhìn trông rất cool, rất đẳng cấp. Tất nhiên bạn cũng có thể mua những bộ trang phục rất đắt tiền mà chẳng hiểu chút gì về võ thuật. Nhưng có một “đẳng cấp” nhất định trong cách một người  mặc và đi lại với đồng phục kendo, những thứ đó mang lại một thứ “cảm giác” về nghệ thuật. Giống như tinh thần Võ sĩ đạo cổ xưa. Có một sự kết hợp duyên dáng giữa những yếu tố truyền thống này và chúng đã mang tinh thần chiến binh xa xưa trở lại đời sống thực. Tất nhiên điều này cũng có thể có ở các môn võ thuật khác, nhưng tôi tin rằng Kendo là một trong các hệ thống mang dáng vẻ và hơi thở của Võ đạo nhất.

Đội tuyển Mỹ đã làm nên chiến thắng lịch sử trước Nhật Bản tại WKC 13th tại Đài Loan, xin ông hãy nói về điều này

Nhật Bản là nước hàng đầu về Kendo. Đối đầu với đội tuyển Nhật rất khác so với đối đầu với các đội tuyển khác. Sở dĩ tôi nói thế là vì truyền thống của Nhật Bản.  Về khía cạnh kỹ thuật Đội tuyển Mỹ đã sẵn sàng đánh bại bất kỳ đội tuyển nào trên thế giới, nhưng cái mà chúng  tôi còn thiếu không phải thuần tuý về mặt kỹ thuật và trình độ mà chính là động lực thi đấu, bắt nguồn từ “niềm tin” rằng chúng tôi có thể đánh bại bất cứ đội tuyển nào khác. Một điều nữa, tôi thấy rằng mặc dù các buổi tập luyện của chúng tôi có cường độ rất cao, nhưng sẽ là một ý tưởng hay khi nghĩ khác đi với truyền thống, và tích hợp các bài tập thể chất khác có thể giúp chúng tôi nâng lên một tầm cao mới.

3

Thầy đã tiếp cận với 2 yếu tố quan trọng này như thế nào ?

Về vấn đề tập luyện thể lực, tôi đã liên hệ với Attila Nemeti (HLV của đội tuyển Mỹ tại WKC13th) một cựu VĐV bơi lội và là HLV đội tuyển bơi lội Hungary năm 1980, sau này đã tham gia tập luyện Kendo ở Mỹ. Tôi đã nói chuyện với anh ta và giải thích những gì tôi đang suy nghĩ trong đầu. Anh ta nói rằng có thể thiết kế một chương trình tập luyện đặc biệt nhằm nâng cao sức mạnh và sức chịu đựng cho các thành viên đội tuyển Mỹ. Nó được thiết kế đặc biệt dành riêng cho Kendo và nó sẽ giúp tăng cường thể lực cũng như sự dẻo dai cho các tuyển thủ. Tôi rất hứng thú và thế là tôi đưa anh ta đến giúp đội tuyển luyện tập. Các bài tập anh ta đưa ra thật sự khá nặng. Các bài tập bao gồm sử dụng bóng, dây kéo, shinai có trọng lượng lớn…, để tăng cường sức mạnh của tay, thân, và chân. Các tuyển thủ ban đầu nhanh chóng kiệt sức và thậm chí còn không đi nổi. Nemeti đã tích hợp rất nhiều bài tập nhằm tăng cường sức mạnh cho tay, vai và các bài tập đặc biệt nhằm phát  triển sức mạnh bộc phát của chân (explosive footwork). Mục tiêu chung là làm cho các vận động viên của đội tuyển Mỹ trở nên nhanh hơn, mạnh hơn, xét về khía cạnh thể chất. Attila đã mang tất cả kiến thức và kinh nghiệm của anh ta vào xây dựng chương trình tập luyện này cho đội tuyển Mỹ.

Thế còn về khía cạnh tinh thần ?

Đây là thứ mà chúng ta phải tiếp cận rất thận trọng. Động lực và niềm tin khiến một vận động viên cảm thấy rằng anh ta có thể thực hiện được một điều gì đó là một thứ gì đó thuộc về mánh khoé và thủ đoạn (tricky).Tôi đã nghĩ về việc làm thế nào để gây cảm hứng cho đội tuyển Mỹ với thứ gì đó không liên quan đến Kendo, nhưng có mối liên hệ và có thể áp dụng cho mục đích của chúng tôi. Một buổi tối, tôi đã nghĩ về bộ phim “Điều kỳ diệu” kể về chiến thắng nổi tiếng của đội tuyển Hockey USA trước đội tuyển Liên Xô cũ. Tôi đã xem đi xem lại bộ phim đó và tôi thấy rằng đó là công cụ tuyệt vời để các tuyển thủ của chúng tôi tin rằng họ có thể chiến thắng. Tôi đã copy cuộn phim đó rồi yêu cầu họ xem, từng người một. Giá mà anh có thể thấy họ lúc đó, tinh thần họ bừng cháy như ngọn lửa, nhìn vào mắt họ anh có thể thấy được niềm tin sắt đá rằng họ có thể đánh bại bất cứ đội tuyển nào, bất cứ đối thủ nào. Họ có kỹ thuật, có sự rèn luyện nghiêm khắc về thể chất, và có niềm tin để biến điều không thể thành có thể. Họ biết rằng họ có khả năng đánh bại bất cứ đội nào để tiến tới chức vô địch.

Nhưng làm thế nào ông có thể giúp họ có được niềm tin đó

Hãy để tôi giải thích – Niềm tin là cách mà bạn cảm nhận về thứ gì đó, nó được bắt rễ sâu xa. VD nếu tôi hỏi bạn về một điều gì đó và bạn có câu trả lời. Hay nói cách khác, tin tưởng vào điều gì đó là sự kỳ vọng về cái bạn muốn và cái sẽ xảy ra. Không có một chút nghi ngờ về điều sẽ xảy ra, bạn hoàn toàn tin rằng nó sẽ xảy ra và biết chắc rằng nó sẽ xảy ra. Bạn phải tin rằng nó sẽ thành hiện thực, không một chút hoài nghi, chỉ tin vào bản thân và sức mạnh nội tại của bạn. Đó là niềm tin cần sự xác tín hoàn toàn rằng mọi thứ sẽ được thực thi, rằng bạn sẽ thực hiện nhiệm vụ của bạn với niềm tin rằng bạn có thể có và sẽ có được điều bạn muốn. Rõ ràng có sự khác nhau giữa việc có niềm tin vào một thứ gì đó với việc làm cho một người “phải tin” về một thứ gì đó.

Rồi sau đó điều gì đã xảy ra

Cuối cùng ngày đó đã tới, chúng tôi phải đối mặt với đội tuyển Nhật Bản ở bán kết. Chúng tôi tin rằng Nhật Bản đang nghĩ về Hàn Quốc. Vì Nhật Bản đã đánh bại chúng tôi một cách dễ dàng mọi lần trước đó, nên họ nghĩ rằng lần này cũng vậy chẳng có gì là khác biệt. Nhưng rồi  tất cả đều phải ngạc nhiên, thế quái nào mà Nhật Bản  lại bị đánh bại bởi đội tuyển Mỹ cho được. Điều đó là thực sự không thể tin được, không ai dám tin, đội tuyển Nhật không tin, đám đông đang gào thét không tin, chỉ có chúng tôi tin, niềm tin sắt đá rằng chúng tôi có thể làm được, và chúng tôi thực sự sẽ làm được. Tôi rất tự hào rằng chiến thắng này sẽ trở thành biểu tượng cho lịch sử phát triển Kendo ở Hoa Kỳ. Và cuối cùng, cái mà bạn tin đã biến thành cái mà bạn có.

Thưa ông, đâu là giá trị quan trọng nhất ở Kendo mà chúng ta có thể áp dụng được vào trong cuộc sống ?

Bất kể chúng ta làm gì trong cuộc sống, chúng ta luôn phải nỗ lực, phải cố gắng hết sức mình, không bao giờ chấp nhận bỏ cuộc, và hãy thành thật. Nghi lễ, sự kiên nhẫn, cách thức, và kỷ luật là những giá trị cơ bản có ở mọi môn võ thuật mà ta có thể áp dụng vào trong đời sống. Nhưng ở Kendo, tôi nhận thấy có những điểm độc đáo, chẳng hạn khi chúng ta thi đấu Kendo, mỗi khi chúng ta tấn công, rồi chúng ta vượt qua…nhưng chúng ta vẫn luôn phải duy trì áp lực và tiếp tục tấn công ngay cả khi mục tiêu nằm ngoài tầm với. Hành động đó dạy rằng bất kể chúng ta tấn công hay bị tấn công, giành điểm hay bị mất điểm chúng ta vẫn luôn phải theo đuổi mục đích của mình. Tập trung tất cả vào mục tiêu và không để bất cứ điều gì ngăn cản bạn. Đừng bao giờ từ bỏ mục đích của mình, dù là trong kiếm đạo hay trong cuộc sống, đó chính là giá trị độc đáo của Kendo.

Ông thấy sự phát triển của Kiếm đạo sau 20 năm nữa sẽ như thế nào ?

Kendo đang lớn mạnh, nó được tổ chức và hệ thống tốt, vậy là điều tốt đẹp nhất rồi cũng sẽ đến. Các quy luật là đồng nhất và cả thế giới đều tuân theo chúng, Điều này tạo thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nghệ thuật kendo trên toàn thế giới. Một số người nói về Olympic, một số người thích, một số người không. Đối với tôi, điều quan trọng là được thấy nghệ thuật Kendo được tập luyện rộng rãi trên toàn thế giới với tinh thần và thái độ đúng đắn. Đó là điều quan trọng nhất.

Leave a comment

Filed under Uncategorized

Leave a comment