Bài ca tháng 6 – Khúc hát người chèo thuyền

Bài ca tháng sáu – Khúc hát người chèo thuyền là tác phẩm nổi tiếng nằm trong tổ khúc bốn mùa, gồm 12 tiểu phẩm viết cho đàn piano của nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga Peter Ilyich Tchaikovsky.

“Bốn mùa” của Tchaikovsky – một kiểu nhật ký bằng âm nhạc độc đáo của nhạc sĩ, ghi lại những những bức tranh thiên nhiên, những mảnh cuộc sống và những cuộc gặp gỡ làm ông xúc động. Sau này M.I. Tchaikovsky, em ruột nhạc sĩ, nhớ lại: “Hiếm có người yêu cuộc sống như Peter Ilyich. Mỗi ngày đều có ý nghĩa riêng biệt đối với ông, và cứ mỗi ngày trôi qua ông lại cảm thấy buồn với ý nghĩ mọi điều ông từng trải qua trong ngày hôm đó đã trở thành quá khứ mà không để lại một dấu vết nào”. Tổ khúc “Bốn mùa” là một trong những tuyệt tác âm nhạc của Tchaikovsky tràn đầy thi cảm, tình yêu cuộc sống .

Trong các tiểu phẩm này Tchaikovsky đã vẽ nên những bức tranh phong cảnh với những khoảng không vô biên của những cánh đồng Nga, các phong tục tập quán ở nông thôn, các bức tranh đời sống thị thành ở Peterburg, những cảnh sinh hoạt âm nhạc của người dân Nga thời kỳ đó.

Trong tập tác phẩm 4 mùa này thì bản Tháng Sáu – Chèo thuyền (Barcarolle) và bản Tháng Mười – Bài ca Mùa thu là hai tác phẩm nổi tiếng nhất, đã từng được chuyển soạn cho nhiều nhạc cụ và phối khí cho dàn nhạc. “Khúc hát người chèo thuyền” là một tiểu phẩm nữa vẽ nên phong cảnh Peterburg trong tổ khúc “Bốn mùa”. Thậm chí ngay cả tên gọi của nó cũng làm người ta nhớ đến những con kênh đào và những dòng sông của Thủ đô phương Bắc.

Barcarolle là một từ tiếng Italia chỉ khúc hát của người chèo thuyền trong âm nhạc dân gian. Các khúc ca này đặc biệt thịnh hành ở Venise, thành phố trên bờ những con kênh, và phương tiện giao thông chính là những con thuyền đặc chủng đi lại trên các con kênh này trong giai điệu trầm bổng rất đặc trưng của các bài hát. Nhịp điệu và nhạc đệm của chúng mô phỏng những động tác chèo nhịp nhàng và tiếng mái chèo khua nước. Các bài hát này trở nên rất phổ biến trong nền âm nhạc Nga đầu thế kỷ XIX, và trở thành một phần không thể thiếu của thanh nhạc trữ tình Nga, đi vào thi ca Nga và cả hội hoạ.

Giai điệu phóng khoáng của phần đầu tiểu phẩm vang lên ấm áp và gợi cảm, phần giai điệu là những chuỗi âm thanh đầy thơ mộng, trong sáng, khi thì chậm rãi suy tư, khi thì lại trôi đi, biến mất trong sự lung linh, mờ ảo, để lại một nỗi nhớ khó tả, một dư vị của sự tiếc nuối. Ăm nhạc mang một cảm xúc thoáng buồn, giai điệu êm đềm như tiễn đưa những chiếc lá cuối cùng, chỉ còn lại một bầu trời xanh thẳm và những làn gió không đủ mạnh để đánh thức một mặt hồ phẳng lặng. Ta có thể cảm nhận sự nhẹ nhàng, thanh thản ở đây, giống như ngồi trên thuyền, mơ màng ngắm mặt hồ lung linh, bồng bềnh (từ Barcarolle có nghĩa là “bồng bềnh”). Phần tiếp theo tâm trạng thể hiện trong âm nhạc trở nên trong sáng và tươi vui hơn, người nghe dường như thấy cả những nhịp chèo khua nước nhanh và vang. Nhưng rồi sau đó tất cả lại trở về bình ổn, với giai điệu rất đẹp khiến người ta cảm thấy yên lòng. Tiểu phẩm kết thúc bằng những nốt nhạc tắt dần – con thuyền đã đi xa, và cùng với nó những giọng ca cùng với tiếng sóng vỗ cùng dần tắt…

Khúc hát người chèo thuyền – Tháng sáu

A.N. Plesheev
Nào ta lên bờ thôi,
Dưới chân ta những con sóng nhỏ
Đang chờ dịu dàng hôn.
Và trên đầu ta chỉ còn
Những vì sao buồn bí hiểm

Trong album Chat với Mozart của Mỹ Linh cũng có bài “Chèo thuyền” với tựa là “tháng 6”, phần ca từ rất đẹp do nhạc sĩ Dương Thụ viết, đã phần nào thể hiện được cái hồn của tác phẩm gốc.

Tháng 6

Thuyền ai trôi xuôi dòng sông
tháng 6 nhấp nhô cánh buồm
Cánh buồm xuôi gió, mái chèo lướt vui…

Một bờ sông xanh một vùng mây trắng lững lơ cuối trời,
bến sông nắng ngời, bóng cây, bóng người,
gió rung khóm lau nghe như bài hát yêu đời …

Nhẹ nhàng trời thu dòng sông êm ái về nơi chốn nào
Thuyền ơi bến đợi, người thương nhớ người
Tình yêu của tôi trào dâng
như nước nguồn đang cuốn về, thuyền trôi xuôi nhé!
Hát Lên bài hát tháng 6 đáng yêu là thế …

Dòng sông êm trôi thuyền ai lướt gió căng cánh buồm.
bến đang nhớ thuyền, bến đang ngóng đợi.
Đến đây với tôi cánh buồn đỏ thắm xa vời…

http://www.youtube.com/watch?v=3xLQW5rm92s

Athơ – Tổng hợp (Tham khảo ” Tổ khúc 4 mùa” của P.E.Vaidman- Quỳnh Hương dịch)
(00:37 02-07-2007)

Leave a comment

October 23, 2012 · 2:13 pm

Leave a comment